Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

Chuyện về các con đèo trên khắp mọi miền Việt Nam (Phần 13)

Chuyện về Đèo U Bò.

Đèo U Bò nổi tiếng bởi cái vẻ "kỳ vĩ" của nó. Nếu ai đi đường quốc lộ 1 đoạn Lệ Thủy Quảng Bình, nằm ven sông Kiến Giang trong những ngày thời tiết vừa qua một trận mưa lớn, trời nắng ráo có thể nhìn thấy đỉnh U Bò với cái hình thù kỳ dị, quả núi u lên như cái vai con bò mộng. Nó vượt hẳn lên trên dãy núi Trường Sơn trập trùng nhấp nhô hùng vĩ chạy xa tít phía tây tổ quốc. 

Những năm chiến tranh, Núi U Bò là căn cứ của quân đội, là nơi tập kết hàng vạn quân tinh nhuệ, những kho quân khí, quân nhu của bộ đội Trường Sơn, là nơi bộ chỉ huy 559 đã từng đóng. Từ đỉnh U Bò theo đường chim bay để về Cộn, thị tứ giáp với rừng Trường Sơn chỉ có khoảng 20 km. Con đường Đèo U Bò như rắn bò lên lên xuống xuống, quanh co gấp khúc cực kỳ nguy hiểm. Rừng ở khu vực này còn có vẻ hoang sơ, chưa bị bàn tay con người khai thác. Có những cây gỗ cao vút, thân nó to lớn dễ tới 2 - 3 người ôm. Ở khu vực đèo U Bò có rất nhiều cây gió, cho Trầm Hương loại 1.
.
Hồi những năm 1985, tôi nghỉ hè vào chơi quê hương của ông chú rể, gốc Lệ Thủy. Ở cái làng quê ven sông Kiến Giang quê ông quá nửa đàn ông, thanh niên đi tìm Trầm, mà ở đó người ta thường gọi là đi Điệu. Từng toán 2 - 4 người lập đoàn đi "tăm Điệu". Có những chuyến trúng lớn, lén lút về quê lúc nhập nhoạng tối, đêm khuya vác ba lô ra quốc lộ 1 bắt xe vào Huế, Sài Gòn để bán "hàng". Khi về, mổ lợn, mổ bò cúng tạ thần rừng rồi ăn khao ầm ĩ vài ba ngày. Đổi đời nhanh chóng.

Cũng có người đi cả chục năm chưa bao giờ "đổi đời" mà chỉ nghèo đi và nợ như Chúa Chổm vì vay nóng sắm chuyến "tăm Điệu".

Trầm Kỳ là những câu chuyện "nóng giãy" lên bên những bàn trà, cuộc nhậu của làng quê này. Tôi cũng đã từng thấy ông chú rể, trước là lính Tăng thiết giáp, hòa bình về phục viên đi làm nghề Kiểm lâm, nhưng cũng nhanh chóng ra nhập đội quân "tăm Điệu", vác cả ba lô Trầm loại 2 - 3 có màu nâu nâu ra gọt giũa, tách bóc từng tý gỗ cặn. Sau đấy nửa đêm ông bắt xe khách đi Sài Gòn, tuần sau quay về mang theo cả bọc tiền nặng trịch, kêu anh em cùng nhóm đến chia. Chia tiền và cũng tạ, và nhậu. Nhậu ngày nhậu đêm, say quay lơ cả tháng. Hết rượu lại tiếp tục bàn chuyện sắm chuyến vào Trường Sơn, sang Lào tìm Trầm.

Những lúc đó, tôi đã "loáng thoáng" nghe đến các ông ấy nhắc đến địa danh đỉnh U Bò với sự thầm thì cực kỳ quan trọng. Nghe cứ như nó ở đâu xa tít mù tắp. Một địa danh mà lúc đó tôi không nghĩ nó lại chỉ cách Đồng Hới có hơn 20 km đường chim bay ....
Qua đèo U Bò, Trường Sơn vẫn trập trùng màu tím, hoang sơ và xa ngái ....

Kế tiếp là đèo Sông Pha (K'Rong Pha) hay còn gọi là đèo Ngoạn Mục, hoặc đèo Đa Nhim.

Đèo Sông Pha tên cũ ngày xưa từ thời Pháp. Nó lấy tên của con sông Pha cũng là tên của cái làng Sông Pha ngay dưới chân đèo (bây giờ là xã Lâm Sơn) hay còn gọi là K'rong Pha (K'rong tiếng Ede và tiếng M'nong tức là con sông). Tên chính thức của nó thời chính quyền ông Thiệu và cho đến bây giờ là đèo Ngoạn Mục, dân ở đó có lúc còn gọi là đèo Đa Nhim vì ngay tại chân đèo là cái nhà máy Thủy điện Đa Nhim do người Nhật giúp "ông Thiệu" xây dựng nên. Nhà máy này hoàn thành năm nào tớ không rõ, chỉ biết là sau ngày giải phóng thì Nhà máy Thủy điện này được phục hồi và trên cái công trường phục hồi nhà máy đã có một bộ phim ra đời, bộ phim này có tên "Nơi gặp gỡ của tình yêu" nó có một bài hát khá hay, hình như do NS Xuân Hồng viết:

Nơi, anh gặp em, có hoa vàng rực rỡ
Có khung trời rộng mở
Bình minh xôn xao, triền miên sóng vỗ....
Đại loại thế.

Đèo Sông Pha có hai điểm đặc biệt mà không có con đèo nào có:
- Một là cái Nhà máy Thủy điện Đa Nhim với cái hồ chứa nước tít trên độ cao gần 1200m, nước hồ được dẫn xuống tua bin phát điện đặt dưới chân đèo bằng 2 đường ống nước sơn màu trắng bạc (đó là ngày trước, giờ màu gì thì ...tớ chịu. Lâu lắm không qua đó). Hai cái đường ống nước này to đến mức cái xe tải 5 tấn đi lọt trong đó.

- Hai là đi qua đèo có một con đường xe lửa đặc biệt, giờ đã hoang phế. Đó là con đường xe lửa răng cưa. Trên thế giới chỉ có vài con đường xe lửa như thế, ở Thụy Sĩ có 2 cái, 1 ở Montevers và 1 cái ở Jung - fraujoch, ở Nam Mỹ thì có Bolivia (hay là Peru gì đó) có một cái, ở Tây Tạng trước đây có một cái và ở đèo Sông Pha có một.... Còn ở đâu nữa thì tớ chưa nghe nói.

Con đường xe lửa này do người Pháp thiết kế và xây dựng, nối liền Tháp Chàm (Phan Rang) lên Đà Lạt, được lập dự án vào năm 1900, đến 1908 bắt đầu thi công, riêng đoạn có cây cầu Dran được xây dựng năm 1919 rồi hoàn thành vào 1925, nghĩa là nó gắn liền với lịch sử ban sơ hình thành Đà Lạt và con đường quốc lộ 21. Con đường sắt răng cưa này gắn liền với cái nhãn hiệu đầu máy xe lửa Fuka.
Từ khi ra đời con đường sắt răng cưa này vẫn hoạt động bình thường, chỉ gián đoạn vài tháng trước khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc.

Sau 1975, dưới sự chủ trì duy trì hoạt động của ông Chế Đặng là Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, con đường sắt này vẫn còn thông suốt từ Đà Lạt đến Tân Mỹ (chỉ còn chừng trên 10km nữa là tới Phan Rang).
Để nó hoạt động lại, các nhà lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lẫn công nhân toa xe, cầu đường, gác ghi... gắn bó với con đường sắt này suốt nhiều tháng trời cật lực lao động trong cảnh thiếu đói, cơ cực của những năm tháng sau chiến tranh ác liệt.
Con đường hồi sinh, chạy vỏn vẹn được bảy chuyến lên xuống, Liên hiệp Đường sắt VN cho quân lên tháo dỡ ồ ạt, từ thanh ray đến tà vẹt của con đường... để làm đường sắt thống nhất dưới đồng bằng.

Tỉnh Lâm Đồng cố cứu con đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt bằng cách tung lực lượng đi khai thác hàng chục ngàn mét khối gỗ, cưa xẻ ra hàng chục vạn khúc tà vẹt gỗ để đổi lại cho họ làm đường sắt dưới xuôi... Thế mà vẫn chưa ổn.

Đến năm 1988-1989, Liên hiệp Đường sắt VN lại “đổ quân” lên vét nốt hai chiếc đầu máy hơi nước hiệu Fuka (do Thụy Sĩ sản xuất - vào đầu thế kỷ 19, xưa nhất, mà lúc đó chính ở Thụy Sĩ cũng không còn thấy) còn lại ở Đà Lạt để bán cho nhóm người Thụy Sĩ theo kiểu phế liệu!
Và thế là 2 cái đầu máy hơi nước cổ này trở về Thụy Sĩ và được rao bán tới hơn... 2 triệu USD/chiếc, chúng được những người Thụy Sĩ trân trọng đến mức xây 1 cái nhà bảo tàng để bày. Hồ sơ của nó được các nhà khảo cổ tìm tòi và thông tin đầy đủ, in thành 2 cuốn dày cộp. Một cuốn đem tặng... Liên hiệp Đường sắt Việt Nam ngó chơi!

Đèo Sông Pha cũng gắn liền với tớ kỷ niệm những năm tháng sinh viên trường ĐHSKĐA, ngày đó đi "phượt" chủ yếu do tích cóp học bổng 30 đồng, tích cóp do bán vỏ chăn con công, bán xe đạp để ...phượt!

Lần ấy đi qua đèo Sông Pha, thấy nó sao mà cao thế, cao tít ... Xe ô tô thì thôi rồi nhá, những năm đó xăng dầu khan hiếm, người Việt Nam thì thông minh kiểu ...sáng tạo nhờ vào kẻ khác, xe DOGE của Mỹ (còn gọi là xe Bọ hung màu vàng) chạy dầu, các ông Việt Nam cho nó chạy bằng than củi. Thật. Không thể hiểu được sáng tạo thông minh cỡ nào, nhưng khi đi trên những chiếc xe bọ hung này, mũi và mắt cứ cay xè vì hít khói và nóng, nóng thôi rồi ... Nhất là những ai ngồi phía sau xe, vì đít xe phải đeo một cái bình than và bình đốt to cỡ cái bình oxy loại ngoại cỡ .... Thế mà nó chạy tít cũng cả 80km/h. Xe khách 10 chiếc thì cả 11 chiếc chạy bằng than, nhiều nhất là từ Nha Trang đổ vào tới Đồng Nai.

Đèo Sông Pha dài cỡ 18km. Quanh co và uốn lượn từ độ cao hơn 30m so với mực nước biển mà lên tới độ cao 1000m. Đứng ở trên đỉnh đèo nhìn xuống cả một thung lũng mênh mang. Một màu chói chang của cát vàng trên những ngọn đồi hoang, đây đó vằn vện cây cỏ trụi lủi ... Màu xanh của lúa và của những ruộng Nho chỉ xa tít mãi tận gần Phan Rang.

Mặt đường đèo nhẵn thín. Nhẵn không thể tưởng tượng nổi là tại sao qua 1 cuộc chiến tranh khốc liệt đến thế mà nó vẫn y nguyên như vừa mới làm xong (Giờ thì chắc là đã sửa sang nhiều lần, mà vẫn cứ lồi lõm). Rừng Thông gần đỉnh đèo xanh mượt mà. Những ngôi miếu hoang nằm rải rác trên con đèo thưa thớt xe cộ và người đi lại. Đường đèo có 2 đoạn chui qua gầm 2 cái đường ống nước "vĩ đại" của Thủy điện Đa Nhim. Đi lên gần đỉnh đèo sẽ gặp một cái dốc cao đến mức ngày đó cái xe DOGE không thể leo lên nổi, hành khách phải xuống xe và ..đẩy!

Du lịch, GO! - Hoangbquang và nhiều người khác - forum Phuot.com
Còn tiếp

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét