Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Trực chỉ Bình Tiên, Bình Lập...

Tối nay (Chủ nhật, 26/9/2010) tôi lên đường đi Khánh Hòa. Chuyến này đem theo con ngựa sắt và dự định đích đến sẽ là Bình Tiên, Bình Lập, Cam Ranh, Vịnh Vĩnh Hy và một số nơi gần đó - riêng chỗ ở thì chắc phải trọ tại thôn Mỹ Thanh.

Mang xe theo nên đặt vé hơi khó khăn vì quá cận ngày: Xe Phương Trang có chỗ tốt nhưng không còn chỗ nhận xe, Tâm Hạnh không từng chở xe, Phương Nam thì giá cho con xế đến 250K... nên cuối cùng chọn xe Quang Hạnh: giá  và giường nằm có vẻ OK.

Chuyến đi có thể kéo dài ba bốn ngày nên tôi sẽ không thể cập nhật blog trong những ngày này nhưng khi về chắc chắn có bài chất lượng kèm nhiều hình ảnh cho pà kon coi chơi.

Chuyến đi cũng tranh thủ mùa vắng, chơi liền vì rất có thể chỉ một thời gian ngắn nữa thôi > khi khu du lịch, resort (lại resort!) tại biển Bình Tiên đi vào xây dựng, giải tỏa hết thì nơi này chỉ còn hoang sơ trong dĩ vãng - phải tranh thủ làm một chuyến trước khi nó bị mổ xẻ, he he...

Bình Lập cũng thế: hiện còn hoang sơ lắm tuy không có gì chắc chắn vì nhưng những con đường nhựa dần kéo dài, kéo theo người rồi sau đó là du khách, KS và resort!

Thôi hẹn pà kon vài ba bữa nữa vậy, chúc vui và khỏe - Mong chuyến phượt bình yên.



Sáu ngày đêm dzọc nát Bình Tiên, Bình Lập
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7- Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11- Phần 12 - Phần 13


Chút kinh nghiệm cần biết khi du lịch khám phá Bình Tiên - Bình Lập - Vĩnh Hy

Điền Gia Dũng

Cửa biển cồn Ngao

Nhà văn Sơn Nam viết rằng “cửa biển Cung Hầu là do người Pháp viết trật chớ trước đó nhà Nguyễn đặt tên đơn vị hành chánh là Cồn Ngao” (*). Theo những cụ già xưa, sở dĩ dân kêu vùng này là Cồn Ngao vì nơi đây mọc lên cái cồn cát, nghêu về đặc rật. “Nghêu” đọc trại thành “ngao”.

Cách đây 32 năm, tôi 17 tuổi, “đi bạn” (giúp việc) cho ghe lưới ở xóm vàm Trà Vinh (ấp Vĩnh Bảo, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành, Trà Vinh). Từ xóm vàm, chúng tôi chèo ghe hoặc thả buồm một đoạn dài chừng 30km trên sông Cổ Chiên ra cửa biển Cung Hầu để đánh lưới. Sau mỗi buổi ra khơi, ghe thường tấp vô Cồn Ngao để bán cá, mua nước đá, gạo, mắm, muối dùng cho chuyến đi biển dài ngày.

Chuyện xưa nơi cửa biển

Từ vàm Trà Vinh, ghe ra biển bằng đường sông Cổ Chiên. Đoạn sông này mọc lên nhiều cồn như cồn Cò, cồn Phụng, cồn Lát... Khi đi qua cù lao Long Hòa (thuộc hai xã Hòa Minh và Long Hòa của huyện Châu Thành), sông Cổ Chiên tách làm hai cửa đổ ra biển. Cửa trên qua Khâu Băng (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) là Cổ Chiên, cửa dưới đi ngang Bến Đáy (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) là Cung Hầu.

Nhưng người dân nơi đây, trừ những bậc cao niên, ít ai biết cái tên Cung Hầu, hầu hết chỉ biết có Cồn Ngao - một vùng đất cách Bến Đáy chừng 10km chạy dài theo mé biển, “trán” nhô ra biển, thân nối với đất liền thuộc ấp Chợ (xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh).
Những năm 1980, khi chúng tôi ghé Cồn Ngao, lên bãi cát lội bộ quả là nghêu đặc rật dưới bàn chân. Con nghêu bự bằng nửa bàn tay, chỉ cần moi cát lượm lên, tách vỏ nặn chanh vô là có món “nghêu tái chanh” ngon lành. Lúc đó nghêu rẻ rề, ít ai thèm ăn bởi có các loại cá khác ngon hơn như cá phèn, cá chét, cá gún, cá ngác, cá gộc..., đem bán cũng bán mắc tiền hơn.

Ở sát cửa biển Cung Hầu có một chợ mua bán cá tôm, người dân thường gọi chợ Bến Đáy (thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang). Hồi đó bờ biển còn hoang sơ lắm, thưa thớt mấy nóc nhà, bãi cát chạy dài hơn 50km từ Bến Đáy tới tận Nhà Mát, Ba Động bên xã Trường Long Hòa (huyện Duyên Hải). Ngoài biển nhìn vô có thể thấy những động cát cao dựng đứng như bức tường thành chắn sóng gió.

Chợ Bến Đáy bên bờ biển, ghe lưới cứ tấp vô bãi là có mấy bà bạn hàng lội nước ngập tới bụng leo lên ghe mua cá. Từ biển xa, ban ngày ghe lưới thường nhắm hướng chợ là những mái nhà tôn trắng lóa. Ban đêm nhìn theo ánh đèn dầu đỏ loẹt để nhắm hướng. Cả khi gặp dông bão, Bến Đáy cũng là nơi đầu tiên ghe biển tấp vô chờ trời yên biển lặng.

Bất cứ ghe lưới nào, từ Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, thậm chí tuốt miệt Bà Rịa - Vũng Tàu, khi đi qua cửa Cung Hầu cũng đều biết và đều ghé Bến Đáy. Hồi đó Bến Đáy còn nổi tiếng bởi câu truyền miệng “cà rỡn” của đám ghe lưới: “Con gái Bến Đáy đái ra lửa” (người Nam bộ phát âm “đáy” và “đái” giống nhau).
Chuyện là vào ban đêm nước biển có độ mặn cao, khi ghe tàu chạy qua thường tạo sóng phát ra ánh sáng xanh giống như nẹt lửa. Đám đàn ông thường đứng trên be ghe “tè” xuống biển. Hai thứ nước có độ mặn và “đạm” cao gặp nhau tạo thành một vệt sáng xanh kéo dài ngó rất ấn tượng. Chuyện “đái ra lửa” lại được gán ghép cho mấy chị để chọc ghẹo mua vui.

Lễ hội cúng biển

“Bến Đáy còn nổi tiếng bởi nghề đóng đáy hàng khơi. Có lẽ vì vậy mà người dân kêu “bến đáy”, riết quen miệng rồi chết tên luôn - ông Lâm Hoàng Tâm, một “trưởng lão” trong nghề đóng đáy hàng khơi ở thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, nhớ lại - Nằm sát cửa biển, luồng lạch nhiều, vùng này cá tôm dồi dào, người dân dựng cọc, bên dưới giăng lưới đáy đón luồng tôm cá theo dòng chảy. Sau mỗi con nước ròng, đáy được kéo lên, tôm cá dính lưới được chở về chợ bán. Hồi đó hễ nhà nào có “miệng đáy” là thuộc hàng khá giả, cất nhà tường, ghe bự năm sáu chiếc. Dân Bến Đáy phần lớn sống bằng nghề làm đáy. Cả trăm miệng đáy giăng hàng hàng lớp lớp, bắt đầu từ cửa Cung Hầu dài ra xa khơi tới Hàng Thùng, Ba Động”.

Ông Nguyễn Văn Lùng (70 tuổi) sinh ra và lớn lên ở Bến Đáy, hiện là chánh bái ban quản trị miếu Bà Chúa Xứ thị trấn Mỹ Long, hồi tưởng: “Năm 1917, ở ngay cửa biển Cung Hầu này đã xảy ra những chuyện không thể nào quên. Ông nội tui kể năm đó nhiều người dân ra đóng đáy bị cá mập ăn thịt. Lúc đóng đáy xong, thợ đáy buộc dây quanh bụng chờ bạn trên chòi đáy kéo lên. Khi thợ đáy được kéo lên mặt biển, ban đêm thân hình phát sáng, đó chính là tín hiệu báo cho lũ cá mập có mồi ngon, chúng rượt theo táp gọn.

Năm nào cũng có vài người mắc nạn khiến dân tình rất đỗi hoang mang, lo sợ. Năm 1919 có ông Cao Văn Phòng, dân kỳ cựu trong nghề đáy hàng khơi, đứng ra làm lễ cúng biển tại cửa Cung Hầu này. Ở chỗ bãi cát Bến Đáy ngày nay, ông lập một bàn hương án với lễ vật, tế lễ xong thả một bè chuối trên có hình nhân nghề đáy và một con heo - vật tế - ra biển. Bà con hướng ra cửa Cung Hầu van vái đức Ông Nam Hải (theo tập tục lâu đời của ngư dân miền biển, cá ông hay cá voi được tôn thờ vì đây là loài cá thường cứu ngư dân gặp nạn trên biển - NV) cầu xin được sóng lặng biển êm, tai qua nạn khỏi để ngư dân yên tâm ra biển.

Sau lễ cúng biển năm đó, số vụ cá mập tấn công không còn như trước và cũng không còn cảnh chết chóc nữa. Từ đó về sau, cứ tới ngày 10-5 âm lịch hằng năm, người dân Cung Hầu lại tổ chức lễ hội cúng biển hết sức long trọng, coi như ngày tổ nghiệp của người đi biển. Tết Nguyên đán có thể ghe biển không về chớ ngày cúng biển dứt khoát không ai vắng mặt”.

Cũng theo ông Lùng, năm 1922 người dân góp tiền xây dựng miếu cách chỗ cúng biển vài chục mét, bây giờ là miếu Bà Chúa Xứ, nơi tổ chức lễ cúng biển hằng năm. Ông Lùng kể: “Mỗi lần cúng biển, hàng ngàn người tứ xứ tụ về đây vui chơi, có gánh hát từ Sài Gòn về hát... Ngày sau là lễ Nghinh Ông, hàng trăm chiếc ghe rần rần ra biển, tới khi thấy “ông lên vọi” (cá voi phun nước) là biết “ông” chứng.
Pháp sư làm lễ, rước “ông” và vong linh những người khuất mặt khuất mày, chết trôi chết nổi cùng về ăn uống, vui chơi...”. Theo ông Huỳnh Bê - trưởng Phòng văn hóa - thông tin huyện Cầu Ngang, ngày nay lễ cúng biển được coi là lễ hội dân gian, tổ chức long trọng ở vùng biển này.

Rừng bần xanh ngắt một màu

Trở lại Cồn Ngao vào một ngày giữa tháng 9 vừa qua, chúng tôi xuất phát từ vàm Lầu ở xã Mỹ Long Bắc, cách Bến Đáy 2km, đi ghe ngang cồn Lát ra cửa biển Cung Hầu như hồi trước thường đi. Hai bên bờ khi xưa là bãi cát, nay phủ xanh rừng bần. Bến Đáy khi đó trống trơn, nhà cửa trong xóm phơi mình trước biển, nay được bao bọc trong dải rừng bần xanh ngắt.
Trước đây từ cửa Cung Hầu chỉ cần tấp ghe vô là tới chợ Bến Đáy, bây giờ phải chờ nước lớn mới vô được, nhưng phải len lỏi qua rừng bần dày kịt dài cả cây số. Đi giữa rừng bần, nhánh bần giao nhau nhìn ra biển như cái cổng chào màu xanh tươi mát. Dấu hiệu cho biết Bến Đáy nay là cột ăngten bưu điện ló khỏi ngọn bần. Người đi biển bây giờ muốn tìm hướng vào bờ vào ban đêm chắc sẽ theo ánh đèn chớp tắt của ngọn ăngten đó.

Qua khỏi Bến Đáy chừng một cây số nữa, giữa luồng nước chảy cửa Cung Hầu là cồn Nạng. Tôi không khỏi bất ngờ vì khu rừng bần dày đặc trên cồn, ngày trước chỉ là cái đụn cát trọc lóc giữa dòng, không có chút cây cối nào. Bây giờ trên cồn Nạng chẳng những rừng bần mọc dày như tóc mà còn lan ra hướng biển đang được đất bồi. Bần được trồng chăm chút hàng hàng lớp lớp, bên trong là bần già, chạy dần ra bãi là bần trẻ rồi tới lớp bần non mới trồng chừng sáu tháng.

Anh Trịnh Minh Long, chủ ghe đưa chúng tôi đi, cho biết: “Nhà nước giao đất cho dân trên cồn trồng bần. Bần lớn thì mấy ổng thả khỉ vô ở, dân được giao đất cồn nuôi nghêu, ươm giống. Cồn này nghêu nhiều vô số kể, khỉ cũng nhiều nên có người còn kêu cồn Khỉ hoặc cồn Nghêu”.
Tới đuôi cồn Nạng thì nước ròng, bãi cát bắt đầu ló ra. Lội bộ xuống cồn, đúng là nghêu vẫn đặc rật dưới bàn chân. Tôi đi chơi biển nhiều lần nhưng thường chỉ tắm ven bờ chứ ít ra cửa biển, lại được lội bộ trên cồn như vầy mới hay đi vậy “đã” hơn nhiều. Vừa được hít thở hương rừng gió biển, vừa được mặc sức lội cát “mát trời ông địa”.

Rồi lại mê mải cào nghêu. Nghêu nhiều lắm nhưng không phải tự nhiên mà do Hợp tác xã nghêu Thành Công thả nuôi. Dấu hiệu là cái chòi canh cao lêu nghêu mọc lên giữa cồn. Ông Phạm Văn Dũng, người canh chòi nghêu, cho biết nhờ có rừng bần xung quanh nên nghêu tự nhiên sinh sôi nảy nở rất nhanh. Nếu không có rừng bần, chắc nghêu không còn nhiều như bây giờ.

Từ cồn Nạng nhìn vào bờ thấy rất rõ hai cửa sông chia nhau đổ ra biển. Cửa bên phải là Cổ Chiên, bên trái là Cung Hầu, cách nhau một cái đuôi cù lao Long Hòa với rừng bần xanh ngắt mọc bờm xờm như mái tóc rậm. Nhìn ra hướng biển, tít ngoài khơi là những hàng đáy dàn hàng ngang như hàng rào chắn biển, ghe đáy, ghe lưới tấp nập qua lại. Chúng tôi cặp vô một ghe lưới đang thả, chủ ghe là một ông già chừng 70 tuổi một mình vừa chèo vừa thả lưới, gợi hình ảnh “ngư ông và biển cả”.

Ông mở thùng xốp, bên trong có hơn ký cá phèn, vài ký cá út và cá lù đù, khoe: “Sáng giờ được nhiêu đó, chắc bán được gần trăm ngàn đồng. Mỗi ngày làm chừng ba bốn “nhát” lưới là sống khỏe”. Thấy tôi ngắm nghía mấy con cá phèn, ông bảo: “Tưởng đám cá phèn này tiêu hết rồi chớ, bị đánh bắt riết còn gì nữa. May mà từ hồi Nhà nước cho trồng mấy rừng bần tới giờ, con cá coi mòi quay lại”.

Bọc qua đuôi cồn Nạng, chúng tôi tới Cồn Ngao. Cái bãi cát dài ngày xưa vẫn còn dây rau muống biển bò ngang dọc nhưng bây giờ có một rừng dương xanh ngắt chạy dài tít tắp. Từ đây nhìn về hướng Bến Đáy, những động cát cao khi xưa giờ là dải rừng bần hình vòng cung ôm lấy Cồn Ngao. Không thể ngờ được cồn cát hồi xưa hoang vắng nay đã thành một xóm dân cư đông đúc.

Ông Lê Văn Xuyên (54 tuổi) và gia đình đến đây lập nghiệp từ năm 1990. Hồi đó một chỉ vàng mua được 2-3 công đất. Đất cồn trống hoác, dân cồn ai cũng trồng dưa hấu. Lần hồi mới trồng thêm khoai lang, tới bây giờ thì đủ thứ bắp, mía, đậu... Cồn đang nối liền với bờ, trước đây muốn qua đất liền phải đi ghe, bây giờ có cái cống bắc qua, xe hai bánh chạy ào ào. Cồn Ngao đang được thay bằng ấp Chợ của xã Hiệp Thạnh. Ông Xuyên nói rừng dương được Nhà nước giao dân trồng: “Có nó đỡ lắm, tính ra cả vạt rừng ven biển này có tác dụng giảm hai cấp bão chớ ít sao. Hồi đó mỗi lần dông bão nghe sợ lắm, bây giờ núp trong hàng dương với rừng bần thấy êm hơn”.

Trên đường về, ghe chúng tôi đi theo lạch nước giữa Cồn Ngao và bờ biển Mỹ Long hướng về Bến Đáy, hai bên là rừng bần. Cái cảm giác trống lốc trên đầu trước gió biển ngày trước không còn, thay vào đó là sự ấm áp chở che. Giống như đi xe gắn máy mà có đội nón bảo hiểm vậy!

Theo Tuoitre

Tản mạn Ô Quy Hồ

Đã là dân “phượt”, hẳn không ai chưa từng mơ ước được một lần chinh phục Ô Quy Hồ - một trong những cung đường đèo hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất ở miền núi phía bắc Việt Nam.

Ô Quy Hồ là con đèo nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, uốn lượn quanh dãy núi Hoàng Liên, nơi có đỉnh Fanxipang - nóc nhà Đông Dương lộng gió trên đỉnh cao 3.414m. Còn được biết đến với cái tên đèo Hoàng Liên, nhưng với nhiều khách lữ hành yêu Tây Bắc, cái tên Ô Quy Hồ đã gần như một huyền thoại…

Dân chạy xe ôm ở Sapa vẫn hay kể về một loài chim có tiếng kêu da diết và nao lòng mỗi khi chiều buông trên núi Hoàng Liên, gắn với một câu chuyện tình yêu không thành năm xưa, theo thời gian, chính tiếng kêu “Ô Quy Hồ” của loài chim ấy đã được đặt thành tên cho con đèo hoang dại trên cao độ gần 2.000m này.

Cung đường đèo dài gần 50km, trong đó 2/3 con đường thuộc địa phận của huyện Tam Đường - Lai Châu, 1/3 còn lại nằm ở phía Sapa - Lào Cai. Vượt qua cổng vườn Quốc gia Hoàng Liên chừng vài cây số là tới đỉnh đèo Ô Quy Hồ, cũng chính là điểm ranh giới giữa hai tỉnh miền núi phía bắc Lào Cai và Lai Châu.

Trên đường tới tham quan Thác Bạc, nhiều khách du lịch không bỏ qua cơ hội có mặt ở đỉnh đèo Hoàng Liên để thưởng ngoạn phong cảnh núi rừng hết sức hùng vĩ và ấn tượng. Vào những ngày trời trong, ít mây, bạn sẽ có may mắn được ngắm nhìn những ngọn núi thuộc cụm “thất chỉ sơn” nhấp nhô như những ngón tay trên một bàn tay. Và tất nhiên, có thể có cả đỉnh Fanxipang - vốn là niềm mơ ước của bao người đam mê khám phá và chinh phục -  cao ngạo giữa trời mây.

Tôi chinh phục Ô Quy Hồ lần đầu tiên vào một đêm mùa đông. Từ phía Bình Lư đi lại, núi giăng thành lô nhô như những chiếc răng của một con quái vật khổng lồ, đen sẫm và nổi bật giữa nền trời. Im lặng đến rợn tóc gáy, hiếm lắm mới gặp một chiếc xe chạy ngược chiều, đèn xe lúc ẩn lúc hiện sau muôn vàn những khúc quanh trông như đốm lửa lập lòe của đám ma trơi. Gió ràn rạt thổi trên vách đá, và sương mù cứ dâng lên dày đặc từ dưới đáy vực. Một ấn tượng không lời nào có thể diễn tả nổi.

Dừng xe sát một góc cua, chúng tôi tắt máy để lắng nghe tiếng thì thầm của đại ngàn, tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng bước chân thú mơ hồ trên đỉnh Hoàng Liên. Ô Quy Hồ bí ẩn và đầy de dọa, bóng tối thẳm sâu như thể có một con thú dữ đang nín thở rình mồi. Một tiếng chim bất ngờ rúc lên phía vách đá khiến chúng tôi thảng thốt giật mình. Đêm huyễn hoặc và hơi thở lạnh buốt giữa màn sương.

Chúng tôi vượt qua cổng trời. Trăng treo cao vút trên đầu, trải thứ ánh sáng lấp lánh màu bạc lên dải núi như con quái vật đang say ngủ chốn biên thùy. Mơ màng và lộng lẫy, bí ẩn và hoang dại… Ô Quy Hồ đã ghi những dấu ấn ngoạn mục trong nhật ký của một kẻ lữ hành.
Ban ngày, Ô Quy Hồ không có cái im lặng đe dọa đáng sợ của màn đêm, nhưng đổi lại, nó dễ dàng gây ra hội chứng “đau tim” cho các tay lái.

Một cung đường dài cheo leo trên vách đá, dưới những thảm rừng nhiệt đới rậm rì, uốn lượn quanh co, lên xuống liên tục theo độ chập chùng của dãy núi, con đèo danh bất hư truyền này sẽ khiến người chinh phục có những pha đổ đèo, cắt cua “tái mặt”. Một phút bất cẩn thôi là cả xe và người sẽ trở thành thước đo đường ngay tức khắc.

Nhưng chính sự hiểm trở đầy thử thách của cung đường này là một trong những nguyên nhân hấp dẫn “dân phượt” đến với Ô Quy Hồ.

Thời tiết nơi đây là một trong những khám phá thú vị về thiên nhiên Tây Bắc. Vào mùa đông, nếu như bên đèo phía Tam Đường trời vẫn còn ấm áp thì ngược lại, bên đèo Sapa cả ngày sương mù bao phủ, tầm nhìn không quá 2 m, núi rừng luôn chìm ngập trong mây.
Ngược lại, vào mùa hè, nếu bên đèo Sapa khí hậu mát mẻ trong lành, thậm chí không khí còn mang đầy hơi nước và gió núi lành lạnh, thì bên đèo Tam Đường, những cơn nóng khô hanh sẽ thiêu đốt mặt đất, lưng núi, suối khô kiệt nước và những thảm cỏ xanh cằn cỗi dưới ánh mắt trời.

Chiều trên Ô Quy Hồ luôn mang lại một cảm xúc bình yên. Dù đi từ phía nào lại, Bình Lư hay Sapa, cũng giống như thể bạn đang tham gia vào một trò chơi đuổi bắt với mặt trời. Một hoàng hôn rực rỡ sắc màu và diệu vợi dềnh lên sau dãy núi phía chân trời. Một nhóm bạn đồng hành dừng chân nơi đỉnh đèo, tay nhâm nhi ly café tự pha trên đường thiên lý.

Và nhé, cũng đừng giật mình nếu trong bóng chiều nhập nhoạng, đột nhiên có những con người bằng xương bằng thịt gùi trên vai những bó củi chật căng bất ngờ bước ra từ sau một lùm cây…

Để chinh phục Ô Quy Hồ, cách tốt nhất là trong chuyến du lịch tới Sapa, du khách có thể thuê một chiếc xe máy với giá khoảng 100.000đ/1 ngày, tự đổ xăng và tự mình thực hiện một chuyến thám hiểm. Sau khi tham quan Thác Bạc, vườn Quốc gia Hoàng Liên, đỉnh đèo Ô Quy Hồ, bạn đừng ngần ngại khi chạy xe tiếp về phía thị trấn Bình Lư. Tổng cung đường chừng 50km, nhưng bạn sẽ có những cảm xúc và ấn tượng rất tuyệt vời về một con đèo hiểm trở và hùng vĩ số 1 ở Việt Nam.

Thời gian: từ ½ đến 1 ngày.
Đỉnh đèo Ô Quy Hồ có những quán đồ nướng theo phong cách Sapa, là nơi rất thú vị để dừng chân ngoạn cảnh.

Du lịch, GO! - Theo Dulich.tuoitre

Cô Tô đảo xanh

Vài năm gần đây, cái tên đảo Cô Tô đã trở nên quen thuộc với dân du lịch “bụi” mỗi khi hè về. Để tránh cái nóng ngột ngạt của thành phố và tìm kiếm một khoảng không gian trong xanh khoáng đạt giữa mây trời, thì biển đảo Cô Tô xứng đáng là một điểm đến tuyệt vời.

Huyện đảo Cô Tô bao gồm hàng chục hòn đảo lớn nhỏ khác nhau có diện tích tự nhiên xấp xỉ 4.000 km2, trong đó có 3 đảo lớn là Cô Tô lớn, Thanh Lân và đảo Trần, nằm cách bến cảng Cái Rồng chừng 60km về phía đông bắc. Đảo có hai đơn vị hành chính là 2 xã Cô Tô, Thanh Lân và 1 thị trấn. Dân số ở đây còn thưa thớt, chủ yếu là những người đi làm kinh tế mới từ các tỉnh duyên hải Bắc bộ di cư ra.

Cuộc sống trên đảo so với ngày trước đã sung túc hơn nhiều, đảo đã có máy phát điện, có nhà xây, có xe ô tô, có đường rải nhựa ngang dọc, giao thương khá phát triển. Thị trấn sầm uất và cung cấp đủ các loại hàng hóa từ cây kim cuộn chỉ cho đến đồ điện tử cao cấp. Dịch vụ du lịch bắt đầu được chú ý sau khi có nhiều lữ khách đã không quản ngại đường sá xa xôi cách trở tìm đến với Cô Tô để khám phá vẻ đẹp của xứ đảo này.

Chúng tôi may mắn đi Cô Tô vào ngày nước nam. Theo những người đi biển, những ngày nước nam biển rất trong và lặng sóng, một tháng chỉ có hai ngày nước kém “thả đĩa không chìm”. Còn hầu hết các chuyến tàu đều phải vượt qua những con sóng dữ dội, băng ghế cứ xô từ thành bên này sang thành bên kia tàu là chuyện thường, đến thuyền trưởng cũng có khi say sóng.

Tàu từ cảng Cái Rồng đầy khách sớm, 6g30 đã rục rịch kéo còi rời bến. Sau khoảng 1 tiếng rưỡi lướt êm trên vịnh Bái Tử Long nhấp nhô núi đá, tựa như những chú rồng con trong truyền thuyết đang ngủ yên trên một tấm thảm nước màu xanh lục khổng lồ, chúng tôi vượt qua cửa Đối, bắt đầu hành trình “bốn bề là biển” giữa tiếng ru hời vỗ về của hàng ngàn con sóng nhỏ.

Thêm 1 tiếng rưỡi tưởng như cô độc giữa biển đông, trừ một cuộc gặp gỡ duy nhất với chuyến tàu ngược từ đảo về đất liền, đã bắt đầu thấy những dải núi xanh mờ cuối đường chân trời, thấp thoáng những viền cát trắng tinh khôi, rạng lên dưới ánh mặt trời.

Tầu cập bến Cô Tô. Một cầu cảng dài và khá lớn cách trung tâm huyện lỵ Cô Tô chừng nửa cây số là nơi đón tiễn tàu thuyền đến và đi. Đường từ cầu tàu về đến nhà khách huyện ủy, tượng đài Hồ Chủ tịch, bãi tắm Bác Hồ nhà cửa khá sầm uất, có chợ, có quán xá, cửa hàng.
Bãi Bác Hồ là bãi biển đại chúng nhất với dân huyện đảo do nằm gần khu dân sinh, rất dài và sạch sẽ. Phía đất liền là một rừng thông xanh mát, một con đường lát gạch chạy dọc men biển, là nơi rất thích hợp để đi dạo biển và ngắm hoàng hôn mỗi khi chiều về.

Cả nhóm thuê hai chiếc xe máy với chi phí 80.000đ/1 xe/ 1ngày để thực hiện những chuyến đi khám phá Cô Tô theo lời giới thiệu của người chủ quán ăn và cánh xe ôm và hải đăng Cô Tô là mục tiêu đầu tiên của chuyến lang thang. Nằm trên một ngọn núi cách thị trấn chừng 5km, đường từ chân núi lên hải đăng quanh co dưới những tán lá rừng rậm rạp, hoa dâu da tỏa hương nhè nhẹ, mát lành.

Con đường ghập ghềnh sỏi đá với một vệt mòn nho nhỏ giữa đám cỏ xanh rì do ít người qua lại không ngăn được niềm háo hức của nhóm khi đến với một trong những ngọn hải đăng có tầm nhìn tuyêt vời nhất ở Việt Nam. Quả thật, đứng ở lan can của ngọn đèn biển chạy bằng năng lượng mặt trời này, bạn sẽ có cơ hội thu vào tầm mắt toàn bộ huyện đảo Cô Tô xanh, đẹp đến khó tả giữa màu biển trời cũng xanh không kém.

Những rừng cây chập chùng, con đường nhỏ vạch mình trên lưng núi, một cánh đồng lúa mạ non gieo như một tấm áo vá kỳ lạ. Xa xa là Cô Tô con còn vắng bước chân người, chỉ có tiếng chim chóc và những chú khỉ tinh nghịch. Gần đó là đảo Thanh Lân dài như một dãy núi, cao ở giữa, bờ cát trắng viền quanh tựa như một chiếc vòng ngọc trai khổng lồ.

Từ chân núi có ngọn hải đăng đi chừng 20 phút thì tới cảng quân sự Bắc Vàn, cảng nước nằm ở tận cùng mũi bắc và đã lâu không có tàu bè cập bến. Đứng ở đây sẽ nhìn thấy đảo Cô Tô con ngay gần trước mắt, cách chừng nửa tiếng đi thuyền. Nhiều du khách mạo hiểm và yêu thích khám phá thiên nhiên hoang dã thường tổ chức cắm trại đốt lửa qua đêm ở Cô Tô con.

Sâu ở phía trong là bãi Bắc Vàn sóng êm nước lặng vốn là nơi trú bão của tàu thuyền mỗi khi biển động. Bãi Bắc Vàn có nhiều đá ngầm, đá nổi gập ghềnh trên triền cát, cảnh sắc tự nhiên khá hoang dại và độc đáo.

Cô Tô có hai bãi biển tuyệt đẹp, nếu được đưa vào khai thác du lịch thì có thể sẽ nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Bãi Vàn Chải nằm ở phía tây đảo, hoang vu với bờ biển uốn cong, bãi cát mịn, sạch sẽ và trắng tinh, sóng vừa đủ lớn để nô đùa thư giãn. Trên con đường bêtông đến bãi Vàn Chải đã xuất hiện một số bungalow nhỏ xinh đẹp để phục vụ du khách. Bãi Hồng Vàn nằm ở phía đông, nước lặng êm ả, lăn tăn như nước hồ do có đảo Thanh Lân trải dài nằm chắn gió từ ngoài biển thổi vào, bờ cát mềm mại với những thảm hoa muống biển tím ngắt. Bãi Hồng Vàn (còn có một tên gọi khác là Hom Trinh Sát) với những bờ cát trắng phau thoai thoải không một bóng người trải dài tít tắp, kề bên rừng nguyên sinh. Sóng nhẹ, nước trong đến độ từ bờ nhìn ra biển khoảng 50m có thể thấy những sắc màu lấp lánh của rạn san hô dưới mặt nước.

Sau hơn nửa giờ vượt biển bằng canô, chúng tôi đặt chân lên đảo Cô Tô “con” với những rạn san hô ven bờ và những cụm rừng đá đẹp lạ kỳ. Phía sau dãy núi đá chồm ra bờ biển, một vụng biển hình vòng cung ôm trọn bãi cát rộng trắng tinh.
Men theo bờ biển, vượt qua những ghềnh đá lô nhô, chúng tôi lần lượt đi qua những bãi biển cực kỳ hoang dã, không hề có một dấu chân trên cát; cho đến bãi thứ bảy thì đành bỏ cuộc vì không còn sức đi tiếp và phải trở về thị trấn Cô Tô trước khi đêm xuống trên mặt biển. Ai nấy đều tiếc: phải chi được qua đêm trên đảo, với bữa tối là các món hải sản bên đống lửa, dưới bầu trời đầy sao và giữa tiếng sóng biển rì rào...

Mùa hè sang, Cô Tô lại như một lời vẫy gọi du khách xa gần đến với nàng công chúa xinh đẹp của biển khơi… Riêng tôi chỉ mong sao những bãi biển tuyệt vời Hồng Vàn, Vàn Chảy, đảo Cô Tô “con”, những cánh rừng nguyên sinh, những khu vực bảo tồn san hô được giữ nguyên vẹn như hiện nay chỉ để tham quan, tắm biển; đừng băm vằm, xẻ thịt chúng như cách làm đã diễn ra tại Phú Quốc, Mũi Né, Vân Đồn...

Hãy trân trọng và gìn giữ Cô Tô như một viên ngọc tinh khiết.

Cô Tô là tên riêng của một hòn đảo cũng là tên chung của huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) gồm trên 40 đảo lớn nhỏ thuộc hệ thống quần đảo Cô Tô - Thanh Lân. Ngoài thị trấn Cô Tô, huyện đảo còn có hai xã Thanh Lân và Đồng Tiến. Nằm cách TP Hạ Long chừng 150km, Cô Tô có chiều dài biên giới biển (với Trung Quốc) hơn 200km, nối với vùng biển huyện đảo Bạch Long Vĩ của TP Hải Phòng trở thành hải phận vịnh Bắc bộ.

Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Đảo Chàng Sơn (Núi Chàng) tên Cô Tô xưa ở trong biển cả, phía đông huyện từ đảo Vân Đồn ra biển thuận gió thì đi bốn trống canh có thể đến. Có các đảo Đông Chàng, Tây Chàng, Bồ Cát bao bọc. Đảo Chàng tục gọi là đảo Hùng, thuyền đi phải hai ngày mới khắp. Bốn mặt đảo đều là vụng biển lớn, thuyền biển qua lại hay đậu ở đấy. Đảo Tây Chàng có hai hòn, phía hữu là núi Tây Chàng, phía tả là đảo Thanh Lam. Ở giữa hai đảo có con sông gọi là sông Thông Đồng. Năm Thiệu Trị thứ 3 có hai đội binh tuần hải khai xuất. Đảo này rộng rãi, ruộng đất màu mỡ lại có nhiều cá mối”.

Từ Hà Nội, bạn có thể bắt xe chất lượng cao đi thẳng Vân Đồn tại bến xe Lương Yên hoặc Mỹ Đình. Xe chạy đều đặn 1 tiếng/chuyến từ 5 rưỡi sáng cho đến 5 rưỡi chiều. Có thể xuất phát muộn sau giờ làm việc bằng cách đón xe Hạ Long, Cẩm Phả, tới cầu Bãi Cháy thì đổi xe đi Móng Cái để tới chợ Cửa Ông.

Từ đây đón xe ôm hoặc taxi vào thẳng bến cảng Cái Rồng nghỉ đêm đế sớm mai đón tàu ra đảo. Chi phí khoảng 60.000 - 80.000đồng/ khách. Nhà nghỉ khách sạn ở Cái Rồng cũng nhiều, giá từ 150.000 - 200.000đồng/phòng, hàng quán ăn uống cũng phát triển, rất thuận tiện.

Hàng ngày đều đặn có một chuyến tàu từ cảng Cái Rồng - Vân Đồn đi Cô Tô, xuất phát lúc 7g sáng. Ngoài ra vào các buổi chiều cách nhật thứ 3,5,7 lại có thêm chuyến tàu ra đảo. Tàu từ đảo về đất liền cũng chạy các buổi sáng và có thêm chuyến về vào các chiều thứ 2,4,6, chủ nhật. Giá vé là 70.000đồng/ khách.

Du khách đến Cô Tô có thể đặt phòng nghỉ tại nhà khách UBND huyện Cô Tô. Các phòng ở tầng 3 có tầm nhìn khá đẹp, lộng gió biển. Ngoài ra tổ chức một chuyến cắm trại tại các bãi biển tuyệt đẹp của Cô Tô như bãi Bác Hồ, bãi Vàn Chải, Hồng Vàn, hay thậm chí đi tàu sang đảo Cô Tô con thực sự là một ý tưởng hấp dẫn và ấn tượng.

Tổng hợp từ dulich.tuoitre.com.vn - 2008

'Phượt', nỗi đam mê và hiểm họa

Việc 2 sinh viên ĐH Phương Đông (Hà Nội) tử nạn trên đường đi 'phượt' (du lịch tự tổ chức) dịp nghỉ lễ 2-9 vừa qua một lần nữa báo động về hiểm họa đối với người trẻ đam mê khám phá.

Giới trẻ rủ nhau phượt

Xu hướng phượt phát triển mạnh trong giới trẻ đồng nghĩa với việc sẽ có những tai nạn như ngã xe, lạc đường, hỏng xe, lở đất...

Lương Bình, 5 năm kinh nghiệm phượt, cho biết có nhiều rủi ro bất ngờ ập đến với bạn trẻ thích phượt bằng xe máy tới vùng núi cao, nhiều đèo, nơi đường thường rất xấu, vực sâu và càng nguy hiểm nếu gặp mưa gió, sương mù.
Cũng theo Lương Bình, nhóm phượt càng đông người, rủi ro càng cao vì có nhiều thành viên chưa từng quen biết nên khó quản lý. Tai nạn thường xảy đến với người không có kinh nghiệm, tách đoàn để đi một mình.

Những vụ dân phượt bị tai nạn gần đây thường liên quan đến sông suối, bị nước cuốn. “Đoàn đi nhiều người và có kinh nghiệm thường phải cử người đi dò đường, dò suối trước”, Bình cho biết.

Năm 2007, một nữ sinh trượt ngã xuống suối và bị nước cuốn trôi khi phượt ở vùng núi Cao Bằng. Năm 2009, cũng tại Cao Bằng, nam sinh viên ĐH Mỏ địa chất tử nạn và nữ sinh ĐH Kinh tế quốc dân bị thương nặng khi xe của họ đâm vào người đi đường.

Khôi Nguyên, vừa trở về từ cung đường Hà Nội- Hà Giang, kể: “Hành trình 4 ngày của mình gặp nhiều nguy hiểm. Có thành viên lần đầu đi phượt, ít kinh nghiệm, lái xe rất gấu, vượt cắt ngang xe tải khi đang đổ đèo, may xe tải phanh kịp...”.

Nick name Chuột đồng, nổi tiếng trên các diễn đàn của dân phượt, cho rằng, chạy xe đêm là mạo hiểm. Một thành viên trong nhóm của Chuột đồng trên đường từ Mù Cang Chải (Yên Bái) về Hà Nội từng bị tai nạn vì lóa mắt bởi đèn pha xe tải. Cũng lái xe trong tình trạng mệt mỏi, kiệt sức giữa đêm trên đường từ Thủy điện Yaly (Gia Lai) về thành phố Kon Tum trong hành trình khám phá Tây Nguyên, Minh Châu (Hà Nội) nhiều phen suýt gặp nạn.
Lan Chi, vừa phượt cùng 20 thành viên đến Apachải (Điện Biên), nói: “Lần đầu phượt bằng xe máy, lại đi xa, nhưng nhiều bạn nam quá chủ quan khi cua xe, đổ đèo, lắm lúc khiến người ngồi sau chỉ còn biết nín thở cầu an”.

Bí quyết

“An toàn hay không là ở chính mình, phải biết tự bảo vệ mình và tôn trọng tính kỷ luật của nhóm”, Lương Bình nói. Bình khuyên dân phượt tuyệt đối không tách đoàn, không đi xa trong lần đầu và phải có người điều hành giàu kinh nghiệm.

Với vai trò trưởng đoàn nhiều hành trình phượt, Na Nguyễn chia sẻ bí quyết: “Công tác hậu cần và tìm hiểu hành trình phải được chú trọng. Cần chia các chặng nhỏ để nghỉ, ngắm cảnh, chạy xe với tốc độ 35-40km/h. Gặp sông suối, hoặc leo núi, đi đường rừng chú ý trơn, trượt”. Na Nguyễn nhấn mạnh, nếu phượt đến các vùng rừng núi, các bạn nên đọc cuốn Kỹ năng sinh tồn hoang dã để có thêm kinh nghiệm ứng phó khi gặp các sự cố.

Theo Baomoi

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

du lịch Hồ Suối Hai

Hồ Suối Hai là hồ nước nhân tạo nằm dưới chân núi Ba Vì, thuộc địa bàn xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội được tạo bởi hệ thống đập chính và phụ dài 4 km để giữ nước từ hai suối chính Yên Cư và Cầu Rồng chảy từ trên núi xuống.

Hồ Suối Hai có từ năm 1958, do bàn tay con người xây dựng để trị thuỷ sông Tích, giải quyết vấn đề hạn hán của vùng Ba Vì.

Hồ Suối Hai có diện tích 1.000 ha, chứa tới 50 triệu m3 nước. Hệ thống kênh mương dài 27 km tưới cho gần 7.000 ha đất và chống lũ cho vùng hạ lưu. Ngoài thuỷ lợi, và hải sản, hồ Suối Hai còn có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Những năm gần đây, khu vực hồ đã được xây dựng thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn.

Trong lòng hồ có tới 14 đảo lớn nhỏ, với diện tích khoảng 90 ha. Bạn có thể thăm thú nơi này bằng thuyền nhỏ du ngoạn trên hồ.

Trên các đảo và ven hồ, trồng nhiều cây xanh và vườn cây ăn trái. Nhiều loại chim đến đây sinh sống như chim le le, vịt trời, ngỗng trời, mòng két, sâm cầm, giang, sếu... Chúng sinh sống trên mặt nước làm khung cảnh thiên nhiên thêm phong phú.


Với phong cảnh thoáng, rộng, nước trong, có nhiều bãi tắm đẹp nên địa điểm này đã thu hút được rất đông khách du lịch.

Đến với hồ Suối Hai, du khách có thể nghỉ ngơi ở nhà nghỉ của Liên đoàn Lao động Hà Tây với giá cả và dịch vụ phù hợp với người lao động.


Từ năm 2007, công ty cổ phần Dầu khí Tản Viên (thuộc tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam) đã lập xong quy hoạch phát triển khu vực hồ Suối Hai thành một Khu Du lịch chuyên đề quốc gia và dự án đang trong quá trình hoàn thiện.

Theo đó, khu du lịch bao gồm các sản phẩm đa dạng như sân golf, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, câu lạc bộ thể thao trên bờ và dưới nước, khu vuic hơi giải trí, khách sạn, hội nghị và hội thảo... nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước.

Tổng vốn đầu tư của dự án này khoảng 1.700 tỉ đồng, diện tích nghiên cứu lập quy hoạch là 1.950 ha, trong đó diện tích mặt nước hồ Suối Hai là 1000 ha.

Tổng hợp từ Tổng hợp từ trithucviet, laodong, hoangthienhuy yume...

Tây Bắc những điều chưa biết

Nói tới Tây Bắc, người ta hay dùng đến hai chữ "khám phá". Những câu chuyện kỳ thú về cách ăn nếp ở của những con người trên những vùng cao nguyên cực Bắc tổ quốc, nơi cư ngụ của rất nhiều dân tộc anh em, như vẫn còn chờ các vị khách miền xuôi khám phá. Một vài câu chuyện cóp nhặt trên đường…

Ăn phức tạp

Người dân tộc Thái chừng như mê món nướng: cá nướng, gà nướng, thịt heo xiên nướng, thịt băm nướng. Tiếp đến là món luộc, như cải luộc, trâu luộc nậm pịa (chất trong phèo trâu)… Tưởng chừng họ ăn uống đơn giản, nhưng không, chỉ với món canh da trâu gác bếp "đơn giản", họ đã cho vào ấy hơn 30 loại gia vị! Món thắng cố người Tày nghe qua tưởng rất "ghê" hóa ra cũng nồng đượm thịt ngựa, lòng ngựa cùng khoảng tám món gia vị.

Món ăn người Mông (H'Mông) mang đậm chất du canh du cư. Món cơm mèn mén bằng bắp ngô là món mà một người Mông có thể mang đi "khắp thế giới Việt Nam", để dành ăn hàng tháng mà không hư thiu. Cá chua, thịt chua, thịt hun khói của họ cũng vậy. Nhưng không phải vì là món "tích cốc phòng cơ" mà chúng thành ra dở, như món thịt chua ăn với cơm thì ăn đến "không biết no là gì".

Rượu ngô cán ngèo của họ sau khi đuợc ủ, được cho hạ thổ ba tháng cho nên "tương truyền" là khi say người uống chỉ cần "hạ thổ" nằm đường là hết say ngay.Không hiểu là "tập tục" tây xâm nhập những vùng miền này từ bao giờ, mà hễ cứ mỗi khi mời nhau uống chén rượu người ta lại bắt tay nhau. Lại nữa, nam nữ "có ý" với nhau trong bàn tiệc, mời nhau uống "khát vọng" bằng cách bắt chéo tay…

Mặc cầu kỳ

Phải nói là hơi "choáng" khi nghe một bộ trang phục dân tộc mà có giá đến 15 - 20 triệu đồng! Đa phần trang phục của các dân tộc ở Tây Bắc đều đẹp, cầu kỳ, nhưng "nhất hạng" phải kể đến người Lô Lô. Một bộ trang phục "cao cấp" bằng những loại vải cổ của họ có giá như đã nêu. Những bộ ở mức bình thường, phổ biến, giá cũng đã khoảng dăm ba triệu.

Cô gái người Lô Lô tên Lò Thị Keng, con của một thầy mo trưởng một bản thuộc Mèo Vạc, Hà Giang, giọng tự hào: "Trang phục người Lô Lô là đẹp nhất, cầu kỳ nhất".

Chỉ riêng dải thắt lưng thôi người ta cũng phải mất đến ba tháng để làm, còn hoàn thành trọn bộ quần áo thì mất sơ sơ chỉ 3 - 5 năm. Công phu là ở chỗ chọn lựa và ghép những mảnh vải màu với nhau sao cho chúng có thể phối màu hài hòa cho cả bộ. Và đó cũng là những sáng tạo riêng của mỗi người, khiến cho những bộ trang phục không có bộ nào giống bộ nào.

Những ngày lễ tết hẳn thôn bản Lô Lô rực rỡ sắc màu trang phục truyền thống. Chỉ có một điều đáng ngại là đến thế hệ như thế hệ cô gái, hầu như chẳng có mấy người còn chịu khó học nghề thế hệ trước để tự làm lấy cho mình bộ trang phục đẹp đẽ này.

Yêu "khổ ải"

Trai gái người Mông thường tìm bạn đời ở các chợ phiên. Khi chàng trai cô gái "lòng trong như đã, mặt ngoài còn e", thì chàng liền tiến đến gần nàng, dùng tay vỗ lên… mông nàng và nói: "Tâu sư". Nếu nàng không có dấu hiệu phản ứng, chàng liền dắt tay nàng về nhà mình và "nhốt" kín vào trong buồng.

Trong tập tục "bắt vợ" nổi tiếng của dân tộc này, dường như chẳng có dấu hiệu "bạo lực" như nhiều người vẫn nghĩ. Chàng trai không hề bén mảng đến căn buồng nơi "nhốt" nàng, mà chỉ là mẹ hoặc em gái của chàng. Vài ngày sau, khi bên đàng gái phát hiện ra sự việc, kéo nhau đến nhà trai "cự cãi" chiếu lệ để rồi quay về nhận quà cưới của bên đàng trai.

Phần "khổ ải" trong yêu đương cưới gả của người Thái lại thuộc về chàng trai. Người Thái có tục "chọc sàn", chàng trai một khi đã phải lòng một cô gái đêm đêm phải đến nhà sàn của nàng dùng cây chọc vào phần nhà sàn nơi nàng ngủ theo những ám hiệu mà nàng đã cho biết (khéo chứ nhằm vào chỗ… bố vợ tương lai thì đến khổ).

Sao anh chẳng tới
Chọc sàn nhà em?
Để em đợi cả đêm
Để em mong cả tối

Cách có hai con suối
Cách có một cái thung
Có một cái dao quăng
Có gì mà khó?

Em hỏi cái gió
Cái gió bảo anh đến mà
Em hỏi mây xa
Mây bảo em chờ chút nữa
(nhà thơ Phạm Bá Chiểu)


Khi đã ưng, nàng chui ra ngoài cùng chàng thâu đêm tâm sự. Một lễ cưới linh đình kéo dài tận ba ngày khoản đãi mọi người của dòng họ đàng gái.

Sau đó lại là ba năm ở rể nhọc nhằn trước khi "đôi trẻ" muốn ra riêng. Nhiều chàng trai còn bị buộc làm "rể hờ" vất vả làm lụng không công cho nhà người yêu vài ba năm để được "thử thách" mọi mặt về đạo đức…

Nhớ cơm lam núi rừng Tây Bắc

Cứ nhắc đến miền sơn cước này là phải nói đến cơm lam. Món cơm lạ lùng, giản dị mà thanh cao, là sự giao hòa của đất trời Tây Bắc. Có người không biết thì cho rằng cơm lam chẳng qua chỉ là cho gạo vào ống nứa rồi nướng chín là xong. Nói thế là đã làm giảm đi giá trị của những ống cơm lam rồi đấy. Làm cơm lam cũng cầu kỳ lắm chứ. Mà cơm lam không chỉ dùng để ăn chơi đâu, nó còn là một món ăn linh thiêng của người dân tộc nữa. Người ta coi trọng cơm lam, dùng cơm lam để dâng lên tổ tiên, trời đất trong những dịp lễ quan trọng của mình.

Cơm lam chính hiệu phải được làm từ gạo nếp nương, thứ gạo trắng trong, dẻo thơm lạ kỳ mà chỉ nơi vùng cao này mới có. Gạo được ngâm cho nở rồi cho vào ống nứa. Ống nứa phải chọn loại nứa bánh tẻ, mà có nước ngọt ở trong là quý nhất (không có thì đành thay bằng nước suối). Gạo và nước tiết ra từ ống nứa hòa quyện vào với nhau, sau khi được nướng chín trên lửa than rực hồng tạo nên một món ăn tuyệt diệu. Nước trong ống nứa là tinh túy của núi rừng Tây Bắc còn gạo nếp nương là do bàn tay lao động của những con người nơi đây. Cơm lam chính là sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người Tây Bắc.

Người ta thường róc đi phần vỏ nứa bên ngoài, chỉ để lại một lớp vỏ trắng đủ để “che chở” phần cơm bên trong. Khi ăn, bóc lớp vỏ mỏng ấy ra ta thấy một “thỏi cơm” trắng ngần, còn được bao bởi một lớp vỏ giấy mỏng dính của nứa. Thỏi cơm dẻo, thơm mùi lúa nếp mà không hề bị dính tay. Những hạt cơm dính chắc với nhau nhưng không hề nát, nhìn vẫn còn thấy rõ từng hạt trong trong, bóng bẩy.
Những ai đã một lần được thưởng thức cơm lam Tây Bắc đều không thể quên cái hương vị đặc biệt của món ăn này. Mỗi khi nhớ đến cơm lam, người ta lại nhớ đến núi rừng Tây Bắc, nhớ những con người hiền hậu, chân chất nơi đây. Thật không ngoa khi nói rằng cơm lam tượng trưng cho mảnh đất Tây Bắc thân thương.

Theo dulich.dov + hanoilive + doquyen46.violet

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

Cổ Mân rực sáng một thời

Lai lịch của một ngôi làng

Cổ Mân là một trong số ít những làng cũ trên đất Đà Nẵng hiện  nay còn bảo lưu nhiều gia phả của các dòng họ. Đặc biệt, làng còn giữ được nhiều tư liệu liên quan đến lịch sử văn hóa của làng dưới thời nhà Nguyễn, nhất là giai đoạn Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp. Theo gia phả tộc Phạm, tổ tiên của tộc Phạm đã rời xã Cổ Mân, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương vào vùng đất phía hữu ngạn sông Hàn này khai canh, khai cư từ năm Cảnh Trị thứ 3 (Lê Huyền Tông - 1665); xong đâu đấy đặt tên làng nơi sinh sống theo tên làng cũ để lưu nỗi nhớ cố hương.

Tộc Trương giữ lại được các văn bản xác nhận các chức danh, ruộng đất của những người trong dòng họ, sớm nhất là năm Gia Long thứ 10 (1811) và muộn nhất là năm Đồng Khánh thứ 2 (1887). Theo gia phả tộc Phan, vào thời chúa Nguyễn, một chi tộc Phan - xuất phát từ tộc Phan của Thỉ tổ Phan Công Thiên ở Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam - đã phân nhánh sang lập nghiệp tại đất trà Sơn Úc (Vũng Thùng), cùng với họ Phạm thành lập làng Cổ Mân.

Các họ tộc làng Cổ Mân hiện còn giữ được các sắc chỉ về điều tra dân số (đinh), kê khai ruộng đất (điền) của các triều vua Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Bảo Đại; đặc biệt, còn giữ được tờ trát của Học chính Quan phòng tỉnh Quảng Nam lệnh cho Tù tài Đỗ Văn Tư (người xã An Hải) điều tra về núi Sơn Trà, đầm An Hải, vũng Trà  Sơn, xã Cổ Mân và cảng Cổ Mân với tinh thần “tra cứu khảo sát lại các chi tiết thừa, thiếu, sai lầm hoặc bổ sung, nhất là về địa giới hành chính, phân hiệp qua các thời đại:. Việc này cho thấy, Cổ Mân là một trong những cứ điểm quan trọng theo cách nhìn của triều đình Huế lúc đó. Ngày nay, chưa ai khảo cứu được cảng Cổ Mân nằm ở đâu, chỉ biết rằng miền cảng thị này đã cùng với xã Nại Hiên Đông là tiền đồn chống trả những đợt tấn công của quân Pháp vào năm 1858. 

Truyền thống đánh giặc, giữ làng

Rạng sáng ngày 01/9/1858, đại bác từ tàu chiến liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ vang trên cửa biển Đà Nẵng, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược của phương Tây vào Việt Nam. Quận giặc đổ bộ tập trung hỏa lực tấn công uy hiếp vào các thành Điện Hải, An Hải. Sau khi Khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương được triều đình Huế điều vào Quảng Nam làm Tổng đốc quân thứ, một phòng tuyến đã được nhân dân bên bờ Đông sông Hàn thiết lập từ chân núi Sơn Trà vào đến Mỹ Thị.

Cuộc chiến không cân sức qua đi, quân giặc rút vào Gia Định, bỏ lại trên bán đảo Sơn Trà gần một nghìn ngôi mộ mà dân gian quen gọi là khu Mả Tây, dấu tích vẫn còn ở phía đông mũi Mỏ Diều và đảo Cò. Bên ta, di hài những anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân sau đó đã được quy tập vào hai Nghĩa trủng Hòa Vang và Phước Ninh. Thế nhưng, ít ai biết rằng trong trận đầu đánh Pháp ấy, nơi tiền đồn Cổ Mân không ít người không rõ tên tuổi đã ngã xuống, được dân làng quy tập vào một nơi gọi là khu mộ chiến sĩ trận vong, lập riêng miếu Âm linh để hương khói.

Ông Phạm Phú Bài, Trưởng ban phụng sự đình Cổ Mân hiện nay kể chuyện, vào các năm 1946-1947, dân làng tản cư khắp nơi để tránh giặc Pháp. Ông Thủ Khoa - người giữ các sắc phong trong làng hồi đó – đưa hòm sắc xuống gửi nơi đình Phước Trường (nay thuộc phường Phước Mỹ). Giặc đốt đình Phước Trường, tất cả đều bị thiêu rụi. Năm 1948, dân làng Cổ Mân hồi hương, trùng tu lại đình làng và xây dựng miếu Âm linh, ngày khánh thành tổ chức hát bộ mấy đêm liền. Giữa con đường huyết mạch từ núi Sơn Trà vào Đà Nẵng, trên một ngã ba ở làng Cổ Mân, Pháp đóng đồn lính, dựng thùng phuy chung quanh để làm phòng tuyến, dân gian gọi là đồn Cồn Thùng.

Năm 1953, một nữ giao liên tên là Hai Nho - con bà Hương Nho trong làng - cùng với một cán bộ Việt Minh là ông Huỳnh Công Thích đã giúp cơ sở cách mạng phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức đánh vào đồn giặc. Được hỗ trợ bằng súng mây đặt tại gò Thần Nông, miếu Âm linh và đình Cổ Mân, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ cứ điểm quan trọng này của địch chỉ trong một tiếng đồng hồ. Từ đó, ngã ba nơi có đồn Pháp bị ta xóa sổ được người dân quanh vùng gọi là ngã ba Hương Nho.Thời kháng chiến chống Mỹ, đình Cổ Mân là một trong 8 ngôi đình ở Khu Đông được cán bộ cách mạng làm nơi hội họp, bàn kế hoạch tiến công đánh địch, xây dựng cơ sở. Năm 1972, cán bộ cách mạng đã treo cờ Giải phóng trên ngọn đa cổ thụ cạnh đình Cổ Mân.

Ngôi đình làng lúc sơ khai bị hư hỏng, các họ tộc cùng nhau góp công, góp sức xây dựng, trùng tu lại bằng vật liệu kiên cố : gạch, đá, ngói, vôi, cát, sạn, mật đường. Vào đầu thế kỷ XVIII, đình làng được xây dựng theo trường phái Phương Đông (long, lân, quy, phụng). Bên cạnh đó, xây dựng thêm ngôi âm linh để thờ vong linh của những chiến sĩ vô danh. Thường năm, vào ngày 25 tháng Chạp Âm lịch, dân làng tập trung tu bổ phần mộ, thắp hương tưởng niệm, tổ chức nghi lễ đón Tết Nguyên đán, treo cờ, cắm phướn, dựng nêu, chọn người hiền xông đất đầu năm, chuẩn bị lễ vật, bông hoa, cây trái, bánh chưng, bánh tét bày cúng trong 3 ngày Tết, tổ chức văn hóa, vui chơi giải trí, dân làng mến mộ nhất là loại nghệ thuật tuồng, hát bội.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân được sống bình yên, tham gia lao động, xây dựng cuộc sống mới, chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Hơn 20 năm sau (1996), ngôi đình làng bị hư hỏng nặng, bà con nhân dân và ban phụng sự đình làng đã quyên góp tài chính, vật liệu, cùng nhau xây dựng lại đình Cổ Mân rộng rãi, chắc chắn, đẹp đẽ và khang trang hơn nhưng vẫn giữ được nét cổ kính. Chống chọi với tai, địch họa đình làng Cổ Mân đã có bề dày lịch sử hơn 300 năm với nhiều lần tôn tạo, tái chế.

Nay vượt xưa

Chống chọi với thiên tai, địch họa hơn 300 năm trôi qua, đình Cổ Mân cũng phải mấy lần tôn tạo, tái thiết. Sau ngày thống nhất đất nước, đình đã được trùng tu khang trang, cổ kính hơn để làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn".
Mới đây, thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị, Ban phụng sự đình làng và thân hào nhân sĩ các họ tộc đã thống nhất di dời toàn bộ đình, miếu Âm linh và nhà thờ tộc Phan về vị trí dành riêng làm khu văn hóa của khu vực Mân Lập Tây, phường Mân Thái. Từ nguồn kinh phí của UBND thành phố và Ban Quản lý dự án Bạch Đằng Đông, các kiến trúc theo kiểu cổ này tuy đã được xây mới hoàn toàn nhưng vẫn bảo lưu được một số câu đối xưa. Ngay cửa đình là câu “Chánh khí lưu hành kim việt Cổ/ Văn phong thạnh phát thống chi Mân”. Các cụ cắt nghĩa : Giữ được chánh khí lưu hành trong làng thì nay có thể vượt qua xưa, bồi đắp nền văn phong để kế thừa truyền thống tổ tiên.

Hơn 150 ngôi mộ chiến sĩ vô danh đã được di dời lên Nghĩa trang thành phố ở Gò Cà. Chỉ còn lại ngôi mộ cổ của một đội trưởng họ Phan tự là Minh Trí, nằm giáp ranh giữa hai phường Mân Thái và Nại Hiên Đông, từng được nhiều bài báo đề cập đến. Hằng năm, đến ngày 25 tháng Chạp, trước khi tổ chức lễ tế chiến sĩ trận vong tại miếu Âm linh, dân làng lo tu tảo phần mộ, dọn vệ sinh quanh xóm làng để chuẩn bị đón năm mới. Ngày 16/3 âm lịch làm lễ cầu an, 16/8 làm lễ tế thu, trùng với lễ cúng cơm mới. Ngày trước, đây là dịp làng tổ chức hát bộ. Ông Phan Văn Kỉnh kể, năm 1958, làng Cổ Mân thành lập đoàn hát bộ Đồng Ấu, rước nghệ nhân từ Điện Bàn ra dạy, không chỉ hát ở địa phương, còn "đem chuông đi đấm xứ người" tận Huế.

Từ đình làng, đi mấy bước là đến bến sông. Con kênh Mương Lở đưa nước ngọt từ Tiên Sa về tưới mát ruộng đồng, gò Thần Nông xôn xao người về sau mỗi mùa thu hoạch, cây đa rợp bóng sớm chiều bên mái đình xưa... tất cả chỉ còn trong hoài niệm của những bậc kỳ lão. Trên dấu xưa giờ là phố mới. Người các nơi tụ về, nhận ra đâu đó trên đường nét của những rồng, những phượng lượn trên nóc đình mới chút dư âm của tháng ngày hội hè cũ. Tiếng chiêng, tiếng trống lại âm vang vào những ngày lễ trọng của làng, níu giữ hồn quê giữa lòng phố mới. Các thế hệ người dân Cổ Mân nối nhau đi qua, song vẫn một lòng thiết tha với di sản của cha ông để lại: Chánh khí lưu hành kim việt Cổ...

Theo Danang.gov + internet

Tôm chua xứ Huế

Người Huế tha hương sau chuyến thăm nhà thường mang theo một vài thứ phong vị quê hương, và trong những thứ đó, tất nhiên không thể thiếu thẩu tôm chua.

Các địa phương đều có thể làm được tôm chua nhưng chỉ ở Huế thì tôm chua mới ngon, cũng như cơm hến vậy. Món này có vị ngọt bùi của tôm, béo của thịt, cay, thơm của riềng, tỏi, ớt, chua của khế, chát của vả, hương thơm của rau... Tất cả dồn lên đầu lưỡi một vị tuyệt vời.

Tất cả các loại tôm đều làm được, tôm càng tươi càng ngon. Đặc biệt là tôm rằn, lúc chín, tôm có màu đỏ tự nhiên rất hấp dẫn. Hầu như các gia đình vùng Huế đều làm được tôm chua để dành. Bởi là món đặc sản ngon nên việc làm tôm chua nhiều năm trở lại đây đã trở thành một nghề sống của nhiều người. Ngày trước, mỗi khi có giỗ, tiệc, các gia đình thường tự làm lấy. Nay thì đa số ra chợ mua, chỉ còn người “kén” ăn thích tự mình làm cho bảo đảm chất lượng.

Trong phạm vi dùng trong gia đình, cách làm như sau, vật liệu: tôm tươi, măng vòi, củ riềng, tỏi, ớt trái chín đỏ, xôi (cơm nếp), rượu gạo, nước mắm hoặc muối.
Chọn tôm tươi sống, đều con, nhặt sạch rác, cắt râu, rửa sạch để ráo, ngâm với rượu cho đến khi hết mùi rượu, vớt ra để ráo.
Măng vòi (phần non), tỏi xắt lát mỏng, củ riềng xắt rối, ớt trái xắt lát dài. Trộn đều tôm, xôi, măng vòi, tỏi, ớt, riềng, nước mắm ngon hoặc muối, cho vào thẩu thuỷ tinh hoặc thẩu men, lấy vài thanh tre mỏng gài lại và đậy nắp, để nơi có nắng ấm độ 3 ngày.

Sau đó đưa vào nơi khô ráo và mát. Từ 5 đến 7 ngày, màu trắng của xôi, măng, riềng, tỏi, màu đỏ của tôm, ớt cho ta một thẩu tôm chua chín vừa, đẹp và thơm ngon. Ở các gian hàng bán tôm chua khi khách mua, nếu khách yêu cầu thì họ thêm riềng vào bởi vì với tôm chua, tép chua và một số loại màu, càng nhiều riềng ăn càng ngon.
Khi ăn, gia thêm ớt, tỏi, đường, bột ngọt. Người làm tôm chua ngon nhất Huế hiện nay là bà Nguyễn Thị Hường ở đường Phùng Hưng, Thành nội Huế. Để làm tôm chua, bà Hường chọn tôm tươi sống loại xuất khẩu, khi bán bà cho thêm mật ong vào.

Người Huế có bạn chí cốt ở xa, nhớ nhau, thỉnh thoảng gửi cho bạn thẩu tôm chua để bạn có hương vị Huế, còn mình thì đỡ nhớ bạn. Đến Huế, nếu có người thân, bạn sẽ được tặng tôm chua hoặc được mời dùng cơm gia đình với món thực đơn các món ăn Huế. Thế nào bạn cũng được thưởng thức món thịt heo phay - tôm chua.

Ở các quán ăn, nhà hàng cũng có món đặc sản này, quán ăn ngon mới có tôm chua ngon. Gia chủ dọn ra một dĩa thịt heo phay với nạc nhiều - xắt lát mỏng, một chén tôm chua thơm lựng, một dĩa rau thơm, khế, vả, sắp xếp đẹp, ngon mắt. Có thể thay rau sống bằng dưa giá củ kiệu. Một miếng ăn ghém, vị ngọt bùi của tôm, vị béo của thịt, vị cay, thơm của riềng, tỏi ớt, vị chua của khế, vị chát của vả, hương thơm của rau…
Tất cả dồn lên đầu lưỡi một vị tuyệt vời.

Tổng hợp từ SGGP, VnExpress